Tỉnh Bạc Liêu có sản lượng tôm giống lớn trong khu vực ĐBSCL nhưng vẫn không đủ cung ứng cho thị trường khi vào vụ nuôi chính, chất lượng còn thấp.
Ông Nguyễn Hoàng Xuân, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, hiện nay địa phương vẫn còn nhiều đơn vị ương dưỡng tôm giống nhỏ lẻ chưa đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, ảnh hưởng đến chất lượng con giống cung ứng ra thị trường. Ảnh: Kiều Trang
Tỉnh Bạc Liêu là địa phương có sản lượng tôm thương phẩm, tôm giống lớn trong khu vực ĐBSCL. Trong 6 tháng đầu năm 2024, diện tích ao nuôi trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 140 nghìn ha, riêng diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh và siêu thâm canh đạt 11,5 nghìn ha. Sản lượng tôm thương phẩm đạt 91,2 nghìn tấn; tôm giống đạt 18 tỷ con, trong đó, tôm càng xanh đạt 500 triệu con.
Tuy nhiên, khi vào vụ nuôi chính, sản lượng tôm giống vẫn không đủ cung ứng cho hộ nuôi và doanh nghiệp trên địa bàn, địa phương phải nhập con giống từ các tỉnh khác. Đồng thời, nhiều người nuôi tôm phản ánh chất lượng con giống trên thị trường hiện vẫn còn thấp.
Tại chương trình tọa đàm với chủ đề “Con giống tốt quyết định thành bại vụ tôm nước lợ” do Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức. Ông Nguyễn Hoàng Xuân, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, số lượng cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu hiện nay rất lớn. Tuy nhiên, địa phương vẫn còn nhiều đơn vị ương dưỡng nhỏ lẻ chưa đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn, ảnh hưởng đến chất lượng con giống cung ứng ra thị trường.
Ngoài ra, tôm bố mẹ trong nước đa phần được khai thác từ tự nhiên nên công tác quản lý chất lượng còn gặp nhiều khó khăn. Do tôm bố mẹ có giá trị cao, các đơn vị sản xuất còn e ngại việc kiểm soát chất lượng ảnh hưởng đến sự sinh sản của đàn tôm.
Tôm bố mẹ có giá trị cao nên các đơn vị sản xuất còn e ngại việc kiểm soát chất lượng vì ảnh hưởng đến sự sinh sản của đàn tôm. Ảnh: Kiều Trang.
Hiện nay, tỉnh Bạc Liêu chưa có điểm tiêu hủy đạt chuẩn để xử lý tôm giống kém chất lượng. Công tác phối hợp kiểm soát chất lượng con giống nhập tỉnh giữa ngành nông nghiệp và ngành chức năng còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Xuân bày tỏ, việc quản lý chất lượng tôm giống luôn là vấn đề được cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT và địa phương đặc biệt quan tâm. Theo đó, Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu có vai trò quản lý, kiểm soát chất lượng hoạt động của ngành tôm giống; hướng dẫn, cảnh báo người nuôi chú trọng đến vấn đề môi trường, dịch bệnh vùng nuôi trên địa bàn tỉnh.
Để kiểm soát chất lượng tôm giống, hàng năm, Chi cục thủy sản tỉnh Bạc Liêu cùng đơn vị chức năng phối hợp kiểm tra các vùng sản xuất tôm giống trọng điểm, kịp thời xử lý các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện bán tôm giống.
Đồng thời, ngành nông nghiệp địa phương cũng tăng cường công tác kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở cung ứng tôm giống, tuyên truyền về tầm quan trọng của chất lượng tôm giống. Từ đó, tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và lan tỏa phong trào “Nói không với tôm giống không đạt chất lượng”.
Các doanh nghiệp, cơ sở ương dưỡng tôm giống trên địa bàn tỉnh được ngành nông nghiệp vận động nâng cấp trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng tôm giống, tự nguyện tiêu hủy tôm giống có mầm bệnh. Ảnh: Kiều Trang.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, cơ sở ương dưỡng tôm giống cũng được địa phương vận động nâng cấp trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng tôm giống, tự nguyện tiêu hủy tôm giống có mầm bệnh. Từ đó, tạo tiền đề cho các đơn vị sản xuất rà soát quy trình sản xuất, chất lượng con giống, ao nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn.
Đặc biệt, tỉnh Bạc Liêu cùng các tỉnh ven biển, các tỉnh cung ứng tôm giống cho địa phương ký kết quy chế phối hợp quản lý tôm giống. Đồng thời, chi cục thủy sản Bạc Liêu cùng chi cục thủy sản các tỉnh cung ứng tôm giống trọng điểm của địa phương như tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận ký kết quy chế tăng cường quản lý chất lượng con giống nhập tỉnh.
Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam