Sự trở lại của tôm sú

Mặc dù việc sản xuất tôm sú đang bị áp đảo bởi nghề nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, nhiều nông dân châu Á cho rằng tôm sú sẽ sớm phổ biến trở lại, việc áp dụng mô hình thả nuôi tôm sú ở mật độ thấp sẽ cho lợi nhuận cao hơn nhiều so với nuôi thâm canh mật độ cao.
Sự trở lại của tôm sú

Ảnh minh họa

Từ bùng nổ đến suy tàn

Penaeus monodon – tôm sú, là một trong những loài tôm đầu tiên được nuôi thương mại và trở thành một loài cực kỳ quan trọng trong nuôi trồng thủy sản khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Từ năm 1998 đến 2003, tôm sú thu hoạch đã chiếm gần một nửa sản lượng tôm nuôi toàn cầu. Về sau, do những tác động của dịch bệnh và các hạn chế về mặt kỹ thuật cùng với đó là sự gia tăng sản lượng tôm thẻ chân trắng (TTCT) trên toàn cầu đã làm tỷ trọng của ngành sản xuất tôm sú dần suy giảm.

Việc sản xuất tôm sú được bắt đầu từ những năm 1970 và 1980 dựa vào việc thu thập hậu ấu trùng (PL) tự nhiên. PL được thu thập thủ công hoặc được đưa vào các đập ven biển theo thủy triều lên.

Khi sự nhu cầu về tôm giống tăng lên, các trại sản xuất giống bắt đầu được xây dựng và sử dụng nguồn tôm bố mẹ có nguồn gốc hoang dã, tuy nhiên những con cái bị đánh bắt tự nhiên này thường có tỷ lệ sinh sản thấp và có vấn đề về chất lượng trứng và ấu trùng.

Sau những nỗ lực của các nhà nghiên cứu khoa học và các trại sản xuất tôm giống áp dụng phương pháp cắt bỏ một trong hai cuống mắt của cá thể cái nhằm nâng cao hiệu quả sinh sản. Điều này đã thành công trong điều kiện nghiên cứu, nhưng đó là sự thách thức trong việc mở rộng quy mô sản xuất PL thương mại. Nghiên cứu về chế độ ăn của tôm bố mẹ đã phần nào cải thiện những kết quả này, tuy nhiên sản lượng PL và tỷ lệ sống vẫn còn thấp.

Sau này, một số bệnh nguy hiểm bắt đầu xuất hiện gây khó khăn cho nghề sản xuất tôm sú khi ngành này đã phát triển rộng khắp. Đáng chú ý nhất trong những năm đầu là Monodon Baculo Virus (MBV), loại virus này đã gây ra thiệt hại ở một số quốc gia như Đài Loan, Indonesia, Philippines, Singapore,…. bằng cách lây lan vào các trại giống thông qua tôm bố mẹ hoang dã.

Nghiên cứu ban đầu cho thấy sú có thể chịu đựng sự hiện diện của virus khá tốt nhưng chỉ trong những điều kiện tối ưu. Khi có các yếu tố gây căng thẳng, số lượng lớn các MBV trong tôm cũng tăng theo, sau đó gây chết hàng loạt.

Các trại tôm sú giống cũng gặp vấn đề nghiêm trọng với vi khuẩn Vibrio spp. và virus hội chứng đốm trắng (WSSV). Đối với WSSV, các trại sản xuất tiến hành sàng lọc tôm bố mẹ nhằm loại bỏ cá thể bị nhiễm WSSV, duy trì lượng nhiễm WSSV thấp hơn trong PL. Trong khi đó việc quản lý Vibrio .spp dựa vào các quy trình tiêu chuẩn về xử lý nước được áp dụng rộng rãi ngày nay trong các trại giống.

Tuy nhiên, vào đầu những năm 2000, hội chứng tôm sú chậm tăng trưởng đã xuất hiện. Thái Lan, nơi bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề, ghi nhận sản lượng sú giảm từ 40 – 70% trong thời gian 2 năm. Hội chứng này có liên quan đến một mầm bệnh được gọi là virus Laem – Singh.

Tiến sĩ Victor Suresh, một chuyên gia về tôm trên thế giới đã chia sẻ những quan sát và kinh nghiệm của ông, giải thích sự suy giảm sản lượng tôm sú. Việc thuần hóa sú còn vấp phải nhiều hạn chế, sử dụng tôm sú đánh bắt từ biển làm tôm bố mẹ sẽ không thể kiểm soát được chu kỳ dịch bệnh. Các ao thả tôm giống bị nhiễm mầm bệnh virus và ngay cả khi được thả tôm giống sạch thì mầm bệnh vẫn ẩn nấp trong kênh cấp nước hoặc các ao, mương khác.

Điểm then chốt trong chuyển đổi sản xuất là sự xuất hiện của tôm thẻ chân trắng sạch bệnh (SPF) thay thế cho tôm sú. Khả năng sản xuất tôm bố mẹ ở TTCT được nhân giống trong điều kiện được kiểm soát cho phép chúng được “làm sạch” các mầm bệnh.

Điều này không có nghĩa là chúng không mang các mầm bệnh hoặc chúng ít nhạy cảm hơn với các mầm bệnh này, chỉ là đối với PL, việc áp dụng công nghệ này sẽ hạn chế tỷ lệ mang các mầm bệnh trên PL vào hệ thống nuôi.

Khi các nước châu Á bắt đầu sử dụng tôm SPF được thuần hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ, họ phát hiện ra rằng vật nuôi này phát triển tốt, giảm đáng kể nguy cơ tử vong do mầm bệnh. Một điểm cộng nữa là TTCT có thể được thả với mật độ cao hơn nhiều so với tôm sú (60 – 100/m2 so với 15 – 20/m2), do đó năng suất ao và lợi nhuận tăng lên gấp nhiều lần cho người nuôi. Đó là lý do TTCT lại trở thành loài được lựa chọn 80 – 90% ở các trại nuôi châu Á.

Sản xuất tôm sú liệu có trở lại như trước?

Mặc dù sú có thể không bao giờ lấy lại được vị thế trước đây trong thị trường tôm toàn cầu nhưng nó vẫn tiếp tục là loài nuôi trồng thủy sản quan trọng. Một số nhà sản xuất đang quay trở lại nuôi sú vì thị trường TTCT đã bão hòa và hiện nay đã có sẵn các dòng sú sạch bệnh và cải tiến về mặt di truyền. Điều này giảm thiểu các vấn đề về bệnh truyền sang trang trại.

Tuy nhiên, yêu cầu hàm lượng protein trong thức ăn của tôm sú lại cao hơn so với TTCT, dẫn đến chi phí sản xuất sẽ cao hơn. Hiện nhiều khu vực ở Indonesia, tôm sú đang được nuôi với mật độ rất thấp, ở mật độ này đòi hỏi rất ít thức ăn bổ sung và giữ chi phí sản xuất ở mức thấp. Châu Phi cũng đang tiến hành áp dụng mô hình này và đã sản phẩm cũng đã xâm nhập các thị trường EU.

Các nhà sản xuất tôm Đông Nam Á phần lớn đã chuyển sang mô hình sản xuất mật độ cao, đòi hỏi vốn đầu tư lớn dẫn đến gánh nặng nợ cao hơn khiến họ không thể chi trả được. Phần lớn do dịch bệnh, an toàn sinh học kém và quản lý không nghiêm ngặt. Họ không thể cạnh tranh với mô hình sản xuất của Ecuador – nơi sản xuất TTCT với chi phí thấp hơn. Một số sẽ quay trở lại nuôi tôm sú bằng cách sử dụng giống sú SPF. Nhiều khả năng tôm sú sẽ trở lại là loài nuôi chủ lực trong tương lai gần trong khi hiện nay tôm thẻ chân trắng vẫn là loài chiếm ưu áp đảo.

Động lực mới phát triển nghề nuôi tôm sú

Mới đây, Trung tâm Phát triển nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC) đã nỗ lực phục hồi sản xuất ở Philippines bằng chương trình cung cấp giống tôm sú chất lượng cao cho người nông dân.

Hầu hết cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị đều sẵn sàng để hỗ trợ quá trình phục hồi của ngành. Nuôi ghép tôm sú với cua biển và rong biển đang mang lại lợi nhuận ở Việt Nam cũng như trong các hệ thống nuôi trồng thủy sản đa dinh dưỡng tích hợp (IMTA) khác như mô hình kết hợp cá măng sữa, nghêu lụa và cây chịu mặn ở Ấn Độ.

Những nghiên cứu mới về dinh dưỡng cho tôm sú cũng hứa hẹn sẽ giảm chi phí thức ăn và tỷ lệ tử vong ở PL. Tuy nhiên, lợi ích của những phương pháp này có thể chỉ dễ dàng đạt được ở một số quốc gia. Bất chấp các ứng dụng cải thiện di truyền ở tôm sú vẫn còn xa vời, các nhà nghiên cứu ở Úc vẫn bắt đầu quá trình xác định các biểu hiện di truyền quan trọng thông qua bộ dữ liệu gen.

Cơ hội lớn nhất cho sú là ở thị trường ưa chuộng tôm cỡ lớn. Tôm sú có thể đạt trọng lượng 35 – 50 gram nhanh hơn TTCT. Sự trở lại gần đây của tôm sú là do sự sẵn có của tôm bố mẹ được thuần hóa, sạch bệnh. PL từ nguồn tôm bố mẹ này đang tăng trưởng tốt hơn so với nguồn tôm giống được đánh bắt tự nhiên. Trong một số thực nghiệm được ghi nhận vượt trội hơn so với TTCT SPF thuần hóa.

Bên cạnh đó, vẫn tồn tại nhiều thách thức cần vượt qua đối với nghề nuôi tôm sú. Nguồn cung giống sú sạch bệnh bị hạn chế bởi không đủ nhà cung cấp và hiện họ cũng bị hạn chế về số lượng tôm bố mẹ. Chưa kể, hậu ấu trùng PL từ tôm sú SPF chỉ phát triển tốt ở mật độ thấp.

Thêm nữa, việc nhân giống thành công tôm sú trong trại giống không dễ dàng như TTCT. Vấn đề thị trường thế giới về tôm cỡ lớn vẫn chưa phổ biến.

“Do đó, các chuyên gia cho rằng, người nuôi tôm sú vẫn nên tập trung vào các sản phẩm có giá trị cao như tôm nuôi tự nhiên hoặc tôm nguyên con để mang lại lợi nhuận cho hoạt động nuôi trồng của mình”, Tiến sĩ Suresh kết luận.

Hải Đăng (theo TheFishSite)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *