NINH THUẬN PHẤN ĐẤU SẢN XUẤT 50 TỶ CON TÔM GIỐNG

Ninh Thuận đặt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước với số lượng 50 tỷ con trong năm 2025.
Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận, vào ngày 30/7, Sở đã tổ chức hội nghị xúc tiến, kết nối cung cầu tôm giống Ninh Thuận tại Cà Mau nhằm giữ vững, phát huy uy tín, thương hiệu tôm giống Ninh Thuận, góp phần triển khai có hiệu quả đề án phát triển Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước giai đoạn 2021 – 2030.
Bên cạnh đó, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh nuôi tôm nước lợ của tỉnh Cà Mau; tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội của 2 tỉnh; phấn đấu thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
“Thông qua hội nghị, Sở NN-PTNT Ninh Thuận đã giới thiệu tiềm năng, lợi thế phát triển và công tác quản lý giống thủy sản phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu của tỉnh bằng phim ngắn.
Dịp này, các doanh nghiệp cung ứng tôm giống của Ninh Thuận và người nuôi tôm tại Cà Mau đã cùng nhau giới thiệu, trao đổi, thảo luận để có tiếng nói chung và tiếp tục kết nối, hợp tác lâu dài, bền vững. Sở NN-PTNT hai tỉnh cũng sẽ có những định hướng và đồng hành với các đơn vị, hộ nuôi nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất tôm nước lợ trong thời gian tới”, ông Đặng Kim Cương thông tin.
Đặc biệt, hội nghị đã chứng kiến lễ ký kết 10 bản ghi nhớ cung ứng và tiêu thụ tôm giống Ninh Thuận giữa các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng tôm giống và đơn vị tiêu thụ tôm giống tại Cà Mau với mục tiêu đạt 8 tỷ con giống từ sau hội nghị đến cuối năm 2024. Qua đó thể hiện niềm tin của người nuôi tôm Cà Mau và uy tín thương hiệu tôm giống tỉnh Ninh Thuận. Đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp giữa Cục Thủy sản và Sở NN-PTNT các tỉnh/thành trong quản lý tôm giống nước lợ; phát huy được tối đa tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế xã hội của 2 tỉnh; phấn đấu thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Đặng Kim Cương cho biết sau hội nghị, các đơn vị tham gia ký kết hợp đồng tiêu thụ tôm giống của Cà Mau đã có 2 đoàn khảo sát thực tế tại Ninh Thuận và qua theo dõi, thống kê gần 1 tháng tổ chức thành công hội nghị, sản lượng tôm giống Ninh Thuận đã cung ứng cho người nuôi tại Cà Mau đạt khoảng gần 4 tỷ con post giống, tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2023. Với lợi thế này, sản lượng tôm giống của Ninh Thuận từ nay đến cuối năm 2024 cung cấp về Cà Mau ước đạt khoảng 8 tỷ con (cả năm 16 – 18 tỷ con).
Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được và góp phần tiếp tục giữ vững uy tín, thương hiệu tôm giống Ninh Thuận, đạt mục tiêu xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước và kế hoạch sản xuất 50 tỷ con tôm post giống trong năm 2025, Sở NN-PTNT Ninh Thuận đã đề ra nhiều giải pháp.
Theo đó, Sở sẽ tập trung thống kê sản lượng giống tôm cung ứng cho Cà Mau; phối hợp nắm bắt thông tin giữa 2 tỉnh và kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc; theo dõi, đánh giá, rút kinh nghiệm để tiếp tục xúc tiến mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh Ninh Thuận kế hoạch xúc tiến, kết nối cung – cầu tôm giống năm 2025 với các địa phương vùng ĐBSCL.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm đảm bảo sản lượng, chất lượng con giống tôm cung ứng cho thị trường. Trong đó hỗ trợ nâng cao vai trò của Hiệp hội Giống thủy sản Ninh Thuận trong việc triển khai thực hiện các quy định của nhà nước, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các hội viên theo hướng hợp tác, liên kết, gắn trách nhiệm với người nuôi; đồng thời chịu trách nhiệm hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; tiếp tục vận động các cơ sở sản xuất đủ điều kiện tham gia Hiệp hội”, ông Cương nói.
Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT Ninh Thuận sẽ huy động các nguồn lực để tập tập huấn cho các cơ sở sản xuất tôm giống về quy trình sản xuất đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và môi trường, năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp và kỹ thuật sản xuất giống thủy sản, nâng cao trình độ cho đội ngũ quản lý và kỹ thuật của các cơ sở sản xuất.
Mặt khác, tăng cường công tác quản lý nhà nước về nguồn tôm giống bố, mẹ, quy trình sản xuất, giám sát an toàn dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tôm giống xuất tỉnh đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn quy định. Kết nối phần mềm quản lý giống thủy sản của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về giống thủy sản để có sự thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác giám sát và quản lý.
Nguồn : Nông Nghiệp Việt Nam

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *