Nghiên cứu nhằm đánh giá tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm sú gia hóa nuôi từ giai đoạn tôm giống thành tôm bố mẹ trong hệ thống lọc tuần hoàn. Tôm được chia thành 2 đàn nuôi ở 2 hệ thống khác nhau, mỗi hệ thống lọc tuần hoàn gồm 4 bể nuôi có thể tích 10 m3/bể. Tôm nuôi được chia làm 5 giai đoạn (GĐ): GĐ1 tôm giống có khối lượng từ 0,02 – 0,03 g/con đến tôm > 3 g/con, mật độ 200 con/m3; GĐ2 tôm từ > 3 g/con đến > 30 g/con, mật độ 35 con/m3; GĐ3 tôm từ > 30 g/con đến > 60 g/con, mật độ 20 con/m3; GĐ4 tôm từ > 60 g/con đến > 90 g/con, mật độ 10 con/m3; GĐ5 tôm từ > 90 g/con đến >120 g/con, mật độ 5 con/m3. Kết quả cho thấy sau 344 ngày nuôi, hệ thống lọc tuần
hoàn hoạt đông tốt nên các chỉ tiêu môi trường nằm trong khoảng thích hợp cho nuôi tôm. Tôm đạt khối lượng 124,32 ± 26,59 g/con (đàn 1) và 121,96 ± 23,04 g/con (đàn 2) khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05). Tỷ lệ sống của mỗi giai đoạn nuôi đều cao > 84%. Kết quả nghiên cứu cho thấy hoàn toàn có thể nuôi tôm sú gia hóa từ giai đoạn tôm giống thành tôm bố mẹ trong hệ thống lọc tuần hoàn.