Hội chứng Zoea 2 đã từng gây thiệt hại lớn cho ngành sản xuất tôm giống tại Ấn Độ. Đây là bệnh cực kỳ nguy hiểm với một số biểu hiện như ấu trùng tôm bỏ ăn, yếu dần và chết khi đang chuyển từ Zoea 1 sang Zoea 2. Bài viết này, BioChain sẽ cùng người nuôi tôm đi tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng, dấu hiệu nhận biết và phòng trị hội chứng Zoea 2 trên tôm.
Ấu trùng tôm thẻ chân trắng bị Zoea 2
Nguyên nhân gây hội chứng Zoea 2
Các nhà khoa học tại Viện thủy sản nước lợ đã tiến hành nghiên cứu và tìm ra nguyên nhân chính gây ra hội chứng này. Nguyên nhân được kết luận là do chủng vi khuẩn Vibrio spp gây ra.
Nhóm vi khuẩn Vibrio spp xâm nhiễm vào bể ương từ nhiều nguồn khác nhau như: Từ ấu trùng Nauplii không tắm kỹ trước khi thả; Nguồn nước chưa được xử lý kỹ trước khi ương nuôi; Những loại thức ăn kém chất lượng, có chứa mầm bệnh; Nguồn tảo tươi, tảo khô không đảm bảo chất lượng; Trứng artemia không được xử lý kỹ; Những loại chế phẩm vi sinh bị nhiễm tạp; Lây nhiễm từ bể này qua bể khác.
Hình A – Ấu trùng tôm thẻ phát triển bình thường có đường phân và đường ruột đầy đủ
Hình B – Ấu trùng bị Zoea 2 có ruột rỗng, đường phân đứt khúc
Hình C và E – Ruột đầy và không dị hình
Hình D, F và G – Ấu trùng tôm giống bị nhiễm có ruột rỗng, bong tróc tế bào biểu mô
Triệu chứng của hội chứng Zoea 2
Ở giai đoạn ấu trùng Nauplii tôm khỏe mạnh và chuyển sang Zoea 1 bình thường. Nhưng vào cuối giai đoạn Zoea 1, ấu trùng tôm đột ngột có những triệu chứng của hội chứng Zoea 2 như sau:
- Ấu trùng tôm bỏ ăn, hoạt động yếu, đường ruột đứt đoạn, mất đuôi phân, bơi lội thất thường.
- Cơ thể ấu trùng chuyển hoàn toàn sang màu trắng và rơi vào tình trạng hôn mê.
- Quan sát ấu trùng dưới kính hiển vi thấy hệ tiêu hóa có sự biến đổi (teo), gan sưng lên, không có giọt dầu. Tế bào biểu mô ở ruột phình to, bong tróc và tan rã. Ruột ấu trùng rỗng và không có dài phân.
- Trong vòng 4 – 5 ngày, ấu trùng không chuyển được qua Zoea 2 .
- Ấu trùng bắt đầu chết dần trong giai đoạn lốt xác để chuyển qua giai đoạn Zoea 2, tỷ lệ chết tăng dần từ 30 – 100%.
Ấu trùng bỏ ăn và chết ở giai đoạn Zoea 2
Giải pháp phòng trị hội chứng Zoea 2
Hội chứng Zoea 2 rất nguy hiểm cần được phòng trị ngay từ đầu bằng các biện pháp sau đây:
1. Kiểm soát nguồn lây nhiễm vi khuẩn Vibrio spp
- Khử trùng, vệ sinh bể ương, đường ống, các vật dụng trước và sau mỗi đợt sản xuất giống.
- Tắm Nauplii sạch sẽ trước khi thả vào bể ương.
- Tuyệt đối không dùng chung dụng cụ giữa các bể ương, khử trùng dụng cụ trước và sau khi sử dụng.
- Đối với người nuôi, cần phải vệ sinh chân tay sạch sẽ, đi ủng trước khi vào trại.
- Lựa chọn và sử dụng các loại chế phẩm sinh học có chất lượng bởi nhà cung cấp uy tín.
- Tảo tươi đảm bảo chất lượng tốt, âm tính với Vibrio spp.
- Sử dụng bạt che đậy trên từng bể cho tới giai đoạn PL1 để hạn chế sự lây nhiễm giữa các bể.
- Trứng artemia phải được khử trùng kỹ trước khi cho ăn.
2. Quản lý môi trường nước trong bể ương tôm
- Để phòng ngừa hội chứng Zoea 2 thì ngay từ giai đoạn Zoea 1 cần phải sử dụng loại chế phẩm vi sinh có công dụng duy trì môi trường nước trong sạch, đồng thời ngăn ngừa sự phát triển của Vibrio spp.
- Cho ăn lượng phù hợp, không nên dư thừa gây ô nhiễm môi trường nước.
- Các yếu tố môi trường cần đáp ứng tiêu chuẩn sau: Nhiệt độ 32 – 34 oC; oxy > 5ppm; pH 7.4 – 8.5; Độ mặn 30 – 33 ppt,…
- Định kỳ kiểm tra tổng lượng vi khuẩn Vibrio trong môi trường nước bằng đĩa thạch TCBS.
Nguồn: Viện nuôi trồng thuỷ sản 2